Chiều ngày 23/11/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 và ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Nhận định “sức khỏe” doanh nghiệp năm 2023
Theo bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023 là năm cộng hưởng khó khăn sau đại dịch Covid-19, năm tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm kinh tế, suy giảm tiêu dùng trên toàn thế giới đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp Vĩnh Phúc nói riêng. Theo số liệu tổng hợp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp giải thể gia tăng, lớn hơn số doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Các doanh nghiệp đang hoạt động, ngay cả những doanh nghiệp lớn đều rất cố gắng để trụ vững, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Mặc dù tỉnh có nhiều giải pháp và rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh không đạt mục tiêu đề ra.
Hướng tới năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, kinh tế trong nước được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra các mục tiêu với hệ thống giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Diễn đàn mong muốn tạo nên sự kết nối, gia tăng giá trị doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Vĩnh Phúc.
Còn ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, năm 2023, tốc độ tăng GRDP của tỉnh ước tăng từ 2,0-2,5%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 5,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,3%; khu vực dịch vụ tăng 9,5%; thuế sản phẩm tăng 1,5 -2,0% so với năm 2022.
Số vốn FDI tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm. Cụ thể, ước năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Đồng thời, tỉnh đã thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.
Cũng trong năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.450 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường đến nay là 328 doanh nghiệp (năm 2022 là 397 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 679 doanh nghiệp, tăng 30% so với năm trước và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 121 doanh nghiệp tăng 50 doanh nghiệp so với năm trước.
“Điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên”, ông Nguyễn Văn Cường đánh giá.
Kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024, một số doanh nghiệp hội viên có gian hàng trưng bày các sản phẩm đa dạng, phong phú, các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đều là sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, như: ong Tam Đảo, Đông trùng hạ thảo Tam Đảo, Trà hoa vàng Tam Đảo,…
Đây cũng chính là kênh kết nối, khẳng định uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa trong sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, hướng đến xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường) cho biết, doanh nghiệp ông là hội viên mới của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Việc tham gia sinh hoạt tại Hiệp hội sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau trong việc phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Công ty CP chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh được thành lập vào năm 2021, là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hoạt động về lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa bò tươi. Công ty có quy mô đầu tư với công suất thiết kế 1.500 – 2.000 tấn sản phẩm/năm, với hệ thống cơ sở hạ tầng, dây chuyền, thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP, quy trình sản xuất và quản lý sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000-2018. Hiện nay các dòng sản phẩm của công ty như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống đã hoàn thiện các thủ tục về kiểm nghiệm công bố chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn để sản xuất ra thị trường.
>>> Vĩnh Phúc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào nông nghiệp công nghệ cao
>>> Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp DDI
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Dung, Giám đốc điều hành công ty TNHH Đài Tín Việt Nam cho rằng, liên kết doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Công ty TNHH Đài Tín Việt Nam chuyên cung cấp thép không gỉ, thép carbon và nhiều thép cơ khí khác, đạt các tiêu chuẩn quốc tế nên rất cần sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp khác trong nước và ngoài nước.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã chứng kiến ký kết hợp tác giữa công ty CP ong Tam Đảo và công ty CP du lịch thương mại Tsubame; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong công tác phát triển Hiệp hội.